Thời kỳ cuối trị vì Diêu Hưng

Năm 407, Mộ Dung Siêu, hoàng đế Nam Yên, người có mẹ và chính thất đang ở Hậu Tần, đã yêu cầu đưa họ trở về Nam Yên. Diêu Hưng đã chấp thuận sẽ làm như vậy sau khi Mộ Dung Siêu chịu trở thành chư hầu hoặc trao cho Hậu Tần các nhạc công hoàng cung (bị Tây Yên bắt giữ và sau đó qua tay Hậu Yên rồi Nam Yên) hoặc trao 1.000 thường dân Tấn cho Hậu Tần. Mộ Dung Siêu đã chọn cách trở thành chư hầu, và đưa các nhạc công đến Hậu Tần. Diêu Hưng sau đó trả mẹ và chính thất cho vua Nam Yên cùng với quà tặng.

Cũng trong năm 407, Tiều Túng, người đang kiểm soát Ích châu (益州, nay là Tứ XuyênTrùng Khánh) của Tấn và tự xưng làm Thành Đô vương, đã trở thành một chư hầu của Hậu Tần.

Năm 408, nhận thấy rằng Nam Lương đang phải hứng chịu các cuộc tấn công ác liệt từ lân bang (gồm cả một thất bại nghiêm trọng trước Hạ vào năm 407), Diêu Hưng đã phát động một chiến dịch nhằm tiêu diệt Nam Lương, bất chấp phản đối từ Vi Tông (韋宗), người này cảm thấy rằng sẽ không dễ dàng để đánh bại Thốc Phát Nục Đàn. Diêu Hưng ủy thác cho con trai là Quảng Bình công Diêu Bật (姚弼) cùng với Khất Phục Càn Quy và Liễm Thành (斂成) đi đánh Nam Lương, cùng lúc đó, Diêu Hưng cũng phái Tề Nan (齊難) đi đánh Hạ song cả hai đều đã thất bại. Diêu Bật và sau đó là Diêu Hiển (姚顯) đã bị Thốc Phát Nục Đàn đánh bại, và Diêu Hưng buộc phải chấp thuận một hiệp ước hòa bình mới với Nam Lương, uy thế của Hậu Tần cũng bị tổn hại vì bại trận. Quân của Tề Nam còn thảm hại hơn, Tề Nam đã rơi vào bẫy của Lưu Bột Bột và toàn bộ quân lính đã bị bắt, do vậy toàn bộ bắc bộ Thiểm Tây đã rơi vào tay Hạ. Sau đó vào năm 408, Thốc Phát Nục Đàn đã khước từ vị thế chư hầu một lần nữ khi xưng làm Lương vương (thay vì tước công mà Hậu Tần ban cho) và cải niên hiệu.

Trong khoảng thời gian này, đã bắt đầu nổi lên việc các huynh đệ và hoàng tử của Diêu Hưng âm mưu chiếm lấy quyền lực. Giả như năm 409, Diêu Xung (姚沖) đã cố ép Địch Bá Chi (狄伯支) cùng mình âm mưu tiến đánh Trường An, và khi Di từ chối, người này đã bị Diêu Xung đã hạ độc, song sự việc sau đó đã bị bại lộ và Diêu Xung đã buộc phải tự sát.

Cũng trong năm 409, Khất Phục Càn Quy đã đào thoát và trở về Uyển Xuyên để hội quân cùng con trai Khất Phục Sí Bàn. Ông ta đã ngay lập tức tái tuyên bố độc lập và tái lập Tây Tần và xưng vương. Khuất Phục Càn Quy sau đó đã cho mở một số chiến dịch chống lại Hậu Tần và gây nên thiệt hại đáng kể, mặc dù vậy, Khất Phục Càn Quy đã tạ lỗi vào năm 411 và lại xưng làm chư hầu của Hậu Tần. Tuy nhiên đến cuối năm, vua Tây Tần lại tiếp tục các cuộc tấn công.

Đến năm 409, tướng Lưu Dụ của Tấn đã mở một cuộc tấn công lớn nhắm vào Nam Yên, và nước này đã xin Hậu Tần ứng cứu. Ban đầu, Diêu Hưng cử người đưa tin để cố thuyết phục Lưu Dụ rút quân, và cũng cử một đội viện binh do Diêu Cường (姚強) chỉ huy, song quân của Diêu Cường đã buộc phải rút lui khi phải chịu tổn thất lớn dưới tay Lưu Bột Bột và suýt bị bắt. Không có viện binh từ Hậu Tần, Nam Yên đã rơi vào tay Tấn vào đầu năm 410.

Năm 410, theo thỉnh cầu của Tiều Túng, Diêu Hưng cử một đội quân do Cẩu Lâm (苟林) chỉ huy đến hội quân với quân của Tiều Túng, do Hoàn Khiêm (桓謙) và Tiếu Đạo Phúc (譙道福) chi huy đi đánh Kinh Châu (荊州, nay là Hồ Nam và trung bộ Hồ Bắc) của Tấn. Tuy nhiên, huynh đệ của Lưu Dụ là Lưu Đạo Quy (劉道規) đã đánh bại cả hai đội quân, giết chết Hoàn Khiêm và buộc Cẩu Lâm phải chạy trốn.

Năm 411, Diêu Bật, người được Diêu Hưng hết mực quý mến, đã âm mưu cố làm suy yếu vị trí thái tử của Diêu Hoằng.

Năm 412, Khất Phục Càn Quy bị cháu trai Khất Phục Công Phủ (乞伏公府) ám sát, người này là con trai của vị vua khai quốc Khất Phục Quốc Nhân. Nhiều triều thần Hậu Tần đã cố thuyết phục Diêu Hưng nắm lấy cơ hội khi Khất Phục Công Phủ và Khất Phục Sí Bàn đánh nhau để tranh giành vương miện, tấn công Tây Tần. Diêu Hưng đã từ chối, ông cho rằng sẽ không thích hợp khi đánh một nước đang trong tang lễ.

Cũng trong năm 412, Diêu Hưng lập Tề thị làm hoàng hậu. (Không có ghi chép về ngày Trương Hoàng hậu qua đời, song có lẽ vào thời điểm này bà đã chết.)

Năm 413, tướng Chu Linh Thạch (朱齡石) của Lưu Dụ đã tiến đánh nước Tây Thục của Tiều Túng, Tây Thục bị tiêu diệt và tái hợp nhất và Tấn. Mặc dù Hậu Tần là nước bá chủ của Tây Thục, tuy nhiên Diêu Hưng đã không thể hỗ trợ cho nước này.

Năm 414, Diêu Bật tiến hành một số nỗ lực để được làm thái tử bằng việc bảo các tiều thần gần gũi với mình đề xuất với Diêu Hưng cho mình thay thế Diêu Hoằng. Diêu Hưng đã từ chối song không quở trách Diêu Bật. Diêu Hưng lâm bệnh nặng cùng năm, và Diêu Bật đã lên kế hoạch chính biến để tiếm quyền. Em trai Diêu Dụ của ông ra đã tiết lộ kế hoạch cho các hoàng tử khác là Diêu Ý, Diêu Hoảng, Diêu Tuyên, và Diêu Kham, họ đã huy động binh lính của mình để sẵn sàng tấn công Diêu Bật nếu cần thiết. Diêu Hưng buộc phải loại bỏ Diêu Bật, và cho những người con trai khác giải ngũ và đến Trường An trong một chuyến viếng thăm chính thức. Các hoàng tử cáo buộc Diêu Bật đã phạm nhiều tội, song Diêu Hưng đã không có thêm hành động. Đến năm 415, Diêu Bật vu cáo Diêu Tuyên, và Diêu Hưng đã cho bắt giữ Diêu Tuyên.

Mùa hè năm 415, tướng Tư Mã Hưu Chi (司馬休之) của Tấn đã buộc phải chạy trốn sau khi bị Lưu Dụ tấn công, và tướng này đã đào thoát đến Hậu Tần. Diêu Hưng đã ban cho Tư Mã Hưu Chi một đội quân để quấy rối biên giới Tấn, bất chấp cảnh báo từ các triều thần Hậu Tần rằng họ Tư Mã sẽ lấy lại Quan Trung và khu vực Lạc Dương.

Vào mùa xuân năm 415, Diêu Hưng lại ngã bệnh, và Diêu Bật đã bí mật tập hợp lực lượng để tiến hành chính biến. Diêu Hưng đã phát hiện ra sự việc và bắt giữ Diêu Bật, song do Diêu Hoằng thuyết phục nên đã không xử tử mà lại thả ra.

Đến mùa đông năm 415, Diêu Hưng gả Tây Bình công chúa đến Bắc Ngụy để kết hôn với Thác Bạt Tự, nhằm khẳng định liên minh giữa hai nước. Hoàng đế Bắc Ngụy chào đón công chúa bằng một buổi lễ cho hoàng hậu. Tuy nhiên, Tây Bình công chúa đã không thể rèn một bức tượng bằng vàng, theo truyền thống của bộ lạc Thác Bạt với ý nghĩa được sự ủng hộ của chúa trời, nên không thể trở thành hoàng hậu mặc dù vẫn được hưởng các danh dự dành cho tước hiệu này.

Năm 416, Diêu Hưng khi trên đường đến Hoa Âm (華陰), gần Trường An, đã bị ốm và phải trở lại Trường An. Tùy tùng của ông là Doãn Xung (尹沖), một trong những người ủng hộ của Diêu Bật, đã lập kế hoạch ám sát Diêu Hoằng khi Thái tử ra khỏi thành để nghênh đón phụ hoàng. Những người ủng hộ của Diêu Hoằng hay tin và đã thuyết phục Diêu Hoằng không ra nghênh đón Diêu Hưng. Thuộc hạ của Doãn Xung là Diêu Sa Di (姚沙彌) sau đó đã cố thuyết phục Doãn bắt giữ Diêu Hưng và cùng với Diêu Bật đoạt lấy quyền lực, song Doãn Xung đã do dự và không làm như vậy. Khi Diêu Hưng trở về hoàng cung tại Trường An, ông đã truyền giao quyền lực cho Diêu Hoằng và ra lệnh bắt giữ Diêu Bật. Trong khi đó, một hoàng tử là Diêu Canh Nhi do tin rằng Diêu Hưng đã qua đời nên đã thuyết phục hoàng huynh là Nam Dương vương Diêu Âm tiến hành chính biến, Diêu Âm đã hội quân cùng Ân Xung (殷沖) tiến đánh hoàng cung, giao chiến với quân của Diêu Hoằng. Diêu Hưng mặc dù đang ốm song đã xuất hiện và công bố một chiếu thư lệnh cho Diêu Bật phải tự sát. Khi quân của Diêu Âm trông thấy Diêu Hưng, họ đã bỏ rơi Diêu Âm. Buổi tối hôm đó, Diêu Hưng đã giao phó các công việc quản trị của Diêu Hoằng cho Đông Bình vương Diêu Thiệu, Lương Hỉ (梁喜), Âm Chiêu (尹昭), và Liễm Man Ngôi (斂曼嵬), Diêu Hưng qua đời vào hôm sau. Diêu Hoằng kế vị song đã nhanh chóng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa tức các em trai và em họ cũng như các cuộc tấn công của Hạ và Tấn, và đến năm 417, Hậu Tần đã thất bại trước Tấn.